Hiện vật Đồ gốm Định

Bình sứ Định thời nhà Tống với họa tiết trang trí màu nâu sắt dưới lớp men màu trắng ngà trong suốt, khoảng năm 1100. Cả hình dạng khép kín và trang trí dưới men đều là không phổ biến trong đồ gốm Định.

Đồ gốm Định dường như đã bắt đầu bằng cách mô phỏng đồ gốm Hình (邢窑) ở Hình Châu (các hiện vật được tìm thấy tại các lò nung tại khu vực nay thuộc các huyện Nội KhâuLâm Thành trong địa cấp thị Hình Đài ở phía nam tỉnh Hà Bắc, dù Lâm Thành khi đó không thuộc Hình Châu) thời nhà Đường, nhưng đến thời Tống thì đồ gốm Định đã thay thế đồ gốm Hình trở thành nhà sản xuất đồ gốm hàng đầu của miền bắc Trung Quốc.[9] Lớp men trắng của đồ gốm Định được ghi nhận là có màu kem nhạt hoặc màu trắng ngà, ngoài ra nó còn trong suốt. Sớm hơn, trong thời kỳ trước nhà Tống thì các hiện vật đồ gốm Định có sắc ánh lam (như đồ gốm Hình) do chúng được nung bằng củi gỗ, tạo ra môi trường khử. Sự thay đổi sang nung bằng than có lẽ diễn ra trong thế kỷ 10 đã tạo ra sắc màu được mô tả là "trắng ngà".[10]

Các đồ gốm "thứ cấp" khác có lớp men đơn sắc với các màu khác nhau:[11] màu đen rất hiếm, các sắc thái khác nhau của đỏ và nâu, vàng kim và xanh lục.[12] Chúng "được biết đến nhiều trong sách vở hơn là từ các hiện vật còn sót lại... chỉ có màu đỏ và đen là còn các hiện vật nguyên vẹn".[11] Các hiện vật này có thể không có bất kỳ trang trí nào. Thị hiếu của triều Tống coi trọng đồ gốm sứ trơn chỉ được trang trí bằng men đơn sắc tinh xảo với màu sắc rất khó đạt được, chẳng hạn như đồ gốm Nhữ nổi tiếng chỉ sản xuất trong khoảng 40 năm và với tổng số các hiện vật còn sót lại chưa tới 100.[13] Một nhóm hiện vật hiếm khác là gốm trắng với trang trí dưới men màu nâu có nguồn gốc từ các oxit sắt.[14]

Các đồ vật được sản xuất trong đồ gốm Định chủ yếu là những vật đựng hở miệng có kích thước tương đối nhỏ, với hình dạng và trang trí thường vay mượn từ đồ kim loại, như những chiếc bát có gờ miệng. Các loại bình tương đối không phổ biến.[15] Ban đầu, các đồ vật chủ yếu được vuốt trên bàn xoay gốm, thường với các khuôn mẫu, nhưng vào cuối thế kỷ 11 thì các khuôn đúc bắt đầu được sử dụng, bao gồm cả phần trang trí bên trong mà trước đây chỉ được chạm khắc hoặc rạch bằng dao trên xương gốm cứng da. Mọi trang trí bên ngoài các đồ vật này vẫn tiếp tục được chạm khắc thủ công trong một khoảng thời gian sau đó.[16]

Trong thời gian mà trang trí được chạm khắc thủ công thì nó chủ yếu là các hình thực vật dạng cuộn bao gồm hoa sen và hoa mẫu đơn, với một số hình động vật đơn giản như vịt và cá. Chúng "nhìn chung khá cởi mở và có khoảng cách hợp lý, được thực hiện với độ thuần thục tay nghề đáng kể và cảm giác hài hòa thành phần rõ ràng là không hề thay đổi". Khuôn đúc cho phép có độ phức tạp cao hơn, bao gồm các cảnh có trẻ em, phong cảnh và các động vật khác.[14]

Quá trình nung là với những chiếc bát úp ngược trong lò, có nghĩa là phải lau sạch lớp men khỏi gờ miệng, để lại một gờ miệng thô - gọi là manh khẩu, và nhiều đồ vật được tạo ra với gờ miệng bọc kim loại mỏng màu trắng bạc hoặc màu vàng "đồng thau".[17] Các lò gốm Định đã phát triển các sạp nung gốm bậc thang, cho phép một số chiếc chén/bát, giảm dần về kích thước, được nung trong cùng một sạp, làm gia tăng hiệu quả chất tải của lò.[18]

Tư duy truyền thống Á Đông chỉ phân loại đồ gốm thành đồ đất nung (đào) và đồ sứ (từ), không có phân loại đồ sành trung gian của châu Âu, và nhiều loại đồ sành địa phương như đồ gốm Định chủ yếu được phân loại thành đồ sứ, mặc dù chúng thường không trắng và trong mờ (thấu quang). Các thuật ngữ như "á sứ" hoặc "gần sứ" có thể được sử dụng trong những trường hợp như vậy.[19]